Đã đến lúc đặt bút xuống và viết thiệp mời cưới cho cả một kế hoạch chuẩn bị cưới. Thiệp cưới là một phần không thể thiếu trong các lễ cưới. Không chỉ là công cụ để thông báo cho người thân, bạn bè hai bên về việc cả hai chính thức trở thành vợ chồng, những tấm thiệp cưới còn thể hiện sự chân thành và sự trân trọng của cô dâu, chú rể đối với những vị khách được mời đến dự lễ cưới. Vậy như thế nào là viết thiệp mời cưới đúng? Dưới đây Kim Ngọc Thủy sẽ hướng dẫn kỹ lưỡng về cách viết thiệp cưới được lòng mọi khách mới. Hãy lấy giấy bút để lưu lại nhé!
Yếu tố quan trọng đối với thiệp cưới
Một thiệp mời đám cưới hoàn hảo, nhất định phải hội tụ 2 yếu tố quan trọng dưới đây:
Thiệp cưới được thiết kế trang trọng, đẹp mắt và lịch sự
Mục đích của yếu tố này là tạo ấn tượng cho khách mời. Bên cạnh đó cũng nói lên thành ý của cô dâu, chú rể cũng như hai bên gia đình đàng trai, đàng gái. Ngày nay, thiệp cưới được các dịch vụ in thiệp sáng tạo ra rất nhiều mẫu thiệp với kiểu dáng và hoa văn khác nhau. Thiệp cưới có thể được làm bằng những loại giấy mỹ thuật cao cấp kết hợp với công nghệ in ấn hiện đại và công nghệ cắt lazer tạo hoa văn trên thiệp. Dựa trên sở thích và phong cách của mình, bạn có thể chọn ra loại thiệp cưới với kiểu dáng và màu sắc phù hợp với concept mong muốn.
Yếu tố thứ hai – cách viết thiệp cưới
Cách viết thiệp cưới thể hiện sự chân thành, ngỏ ý mời khách dự đám cưới với sự trân trọng, mong muốn họ đến chung vui và chúc phúc cho đôi uyên ương trẻ.
Cách viết thiệp cưới đúng chuẩn
Đầu tiên, Nhẫn Cưới Kim Ngọc Thủy sẽ hướng dẫn cách viết những thông tin quan trọng trong thiệp mời.
1. Thông tin về cha mẹ hai bên
– Đối với gia đình theo đạo Công giáo, tìm hiểu chính xác tên Thánh và đặt tên Thánh vào trước tên cha mẹ, tên cô dâu chú rể. Hiện nay, một số đám cưới Phật tử cũng đưa Pháp danh của cha/mẹ cô dâu chú rể vào thiệp.
– Với gia đình có cha hoặc mẹ đã qua đời hoặc vì lý do nào đó không có mặt trong lễ cưới, bạn nên tham khảo cha mẹ mình có muốn để tên người đã mất lên thiệp mời đám cưới hay không:
– Nếu người cha qua đời, cách viết thiệp cưới như sau: Bà quả phụ: [Họ tên Cha]. Nhũ danh: [Họ tên Mẹ]. Nếu cả ba mẹ đều qua đời, cô dâu chú rể muốn để tên cha mẹ vào thiệp cưới của mình thì dùng từ Cố phụ: [tên Cha], Cố mẫu: [tên Mẹ]. Hoặc có thể ghi đầy đủ tên Cha Mẹ trên thiệp, bên dưới ghi chú thêm Đã mất/Đã qua đời, hoặc trang trọng hơn thì ghi Song thân quá vãng.
– Nếu không tiện ghi tên cha mẹ trên đầu tấm thiệp cưới, bạn có thể để tên người chủ hôn là anh lớn trong nhà, hoặc chú bác đại diện trong gia đình.
Những thông tin này bạn cần kiểm tra một cách chính xác với bên cung cấp trước khi cho in thiệp. Nếu không, khi in một lượng lớn thiệp mà bị sai sót thì rất tốn kém và việc tẩy xóa trên thiệp mời cũng không nên xảy ra.
2. Tên cô dâu chú rể
Nếu cô dâu chú rể là con một thì ghi là Ái nữ hoặc Quý Nam. Nếu là con trưởng thì ghi Trưởng Nữ, Trưởng Nam. Nếu là con thứ thì ghi Thứ Nam, Thứ Nữ. Con út thì ghi Út Nam, Út Nữ.
Nếu gia đình có Đạo thì ghi tên Thánh trước họ tên cô dâu và chú rể. Để đơn giản hơn, có người chỉ ghi Cô dâu [Họ tên], Chú rể [Họ tên] mà không ghi thứ bậc cụ thể trên thiệp cưới.
3. Thông tin chính xác về lễ cưới
Cách viết thiệp cưới cho chỗ này có hai phần cần chú ý là thông tin lễ cưới và thông tin tiệc cưới, các bạn cần viết ra thông tin chính xác của lễ cưới để việc in ấn được chính xác. Chú ý một chút, bạn sẽ thấy các thiệp cưới hiện nay ghi rõ ràng Lễ Vu Quy, Lễ Tân hôn, Lễ Thành hôn. Mỗi cái tên đều có ý nghĩa nhất định:
3.1 Lễ Vu quy
Là buổi lễ tổ chức tại Nhà gái, đãi toàn bộ gia đình, họ hàng nhà gái, đồng thời chính thức thông báo về việc cô dâu sắp về nhà chồng. Trong ngày này, bảng tên “Lễ Vu Quy” được treo trên cổng hoa, trong gian thờ gia tiên.
Đối với các gia đình ở miền Nam, lễ Vu Quy tổ chức trước ngày rước dâu, thiệp cưới được ghi rõ “Trân trọng mời quan khách đến tham dự lễ Vu Quy của con gái tôi…”.
3.2 Lễ Tân hôn
Buổi lễ tổ chức tại Nhà trai, sau khi nhà trai qua nhà gái làm lễ rồi rước cô dâu về nhà chồng. Đại diện nhà gái cũng sang nhà trai trong ngày lễ này gọi là “lễ đưa dâu”, nhưng số lượng ít, chỉ từ 7 – 15 người là người thân, ruột rà với cô dâu. “Lễ Tân hôn” được sử dụng phổ biến hơn ở các tỉnh miền Nam và xuất hiện trên biển treo tại cổng, phông cưới ở nhà chú rể.
3.3 Lễ Thành hôn
Theo phong tục cưới dưới quê, nhà gái và nhà trai tổ chức lễ khác nhau nên trên thiệp cũng ghi rõ tính chất buổi lễ là Vu quy hay Tân hôn. Nhưng với các cặp vợ chồng sinh trưởng tại thành phố lớn, hoặc một số cặp đôi dân tỉnh nhưng sống và làm việc tại thành phố, họ thường tổ chức thêm buổi tiệc để đãi đồng nghiệp, những người không thể về quê chung vui được. Lúc đó, cô dâu và chú rể cùng đãi một buổi tiệc, cùng mời quan khách hai bên gia đình. Lễ này gọi chung là lễ Thành hôn.
Do đó, để tránh thất lễ khi ghi thông tin thiệp cưới, bạn căn cứ vào tính chất buổi lễ để quyết định chọn từ cho đúng. Tuy nhiên, cũng đừng nên quá căng thẳng về việc này. Nhiều gia đình không câu nệ cách dùng từ, họ sử dụng cụm từ “… mời đến buổi tiệc rượu chung vui cùng gia đình” vẫn được quan khách chấp nhận.
4. Thông tin ngày giờ cử hành hôn lễ
Ngày giờ cử hành hôn lễ là ngày làm lễ rước dâu về nhà trai. Giờ này ghi trên thiệp chủ yếu là để thông báo cho bà con họ hàng thân thiết thôi. Ngày giờ cử hành hôn lễ này nên được viết rõ cả ngày dương lẫn ngày âm lịch.
Đối với cô dâu chú rể có đạo, có tổ chức lễ Thánh ở nhà thờ thì ghi rõ giờ làm lễ và tên Thánh Đường để quan khách cùng đạo đến tham dự và chúc phúc.
5. Ngày giờ và địa điểm đãi khách
Đây là phần khách mời quan tâm nhất vì là phần nhắc trực tiếp đến họ. Họ sẽ lưu ý để đến tham gia buổi tiệc. Nếu đãi cưới tại nhà hàng cũng nên ghi đầy đủ thông tin như thông tin sảnh đãi cưới, nhà hàng nơi tổ chức tiệc, địa chỉ chính xác (tên đường, phường, quận, tên sảnh cưới).
Nội dung thiệp cưới nên có bản đồ ghi rõ địa điểm nổi bật dễ thấy nhất gần nơi đãi cưới (ví dụ nơi đãi cưới cách ngã tư đường, trung tâm thương mại, nhà thờ, chùa… bao nhiêu mét chẳng hạn). Tốt nhất là có thêm ước lượng độ dài đoạn đường để khách dễ hình dung.
Cách viết thiệp mời hài lòng từng đối tượng khách mời
Một tiệc cưới bao giờ cũng có nhiều dạng khách mời khác nhau. Thành phần khách mời này phụ thuộc vào mối quan hệ của cô dâu, chú rể cũng như mối quan hệ của gia đình 2 bên nhà trai và nhà gái. Các thành phần khách mời dự tiệc cưới có thể kể đến là: người thân, họ hàng, bạn bè , hàng xóm, đồng nghiệp … Chính vì thế, đối với các đối tượng khách mời khác nhau, bạn cần phải có những câu chữ sử dụng, xưng hô trong thiệp cưới khác nhau để mời họ.
Do vậy, trước khi viết thiệp cưới, việc bạn nên làm chính là phân loại khách mời ra thành từng nhóm. Điều này sẽ giúp cho cách viết thiệp cưới của bạn trở nên dễ dàng và chính xác hơn.
Cách viết thiệp mời người trong họ hàng
Cách xưng hô của người Việt Nam trong mối quan hệ họ hàng cũng khá phức tạp như: cô, dì, chú, bác, cậu, mợ, ông/ bà trẻ,… Vì thế, khi viết thiệp mời bạn nên nhờ sự giúp đỡ của ba mẹ hai bên để xưng hô sao cho đúng. Sau khi viết thiệp, bạn nên kiểm tra kỹ lại một lần nữa để tránh nhầm lẫn trong cách xưng hô, cũng như không bị chê trách. Nếu viết sai, cô dâu chú rể nên viết thiệp mời chứ không nên tẩy xóa để tránh gây mất lòng khách mời.
Bạn nên sử dụng kính ngữ khi ghi thiệp mời cả bên ngoài phong bì và bên trong thiệp mời nếu bạn mời những người lớn tuổi, những bậc cha chú. Cụ thể bạn nên ghi là: “Kính mời bác A” nếu chỉ mời mỗi 1 mình bác A hoặc ghi là “Kính mời hai bác và gia đình “ nếu là mời cả gia đình bác An
Cách viết thiệp cưới mời đồng nghiệp
Bạn nên ghi rõ tên của người được mời bên ngoài phong bì đựng thiệp. Còn bên trong thiệp mời chính, bạn sẽ ghi cụ thể hơn tên khách mời và người kèm theo. Cách xưng hô khi viết sẽ dựa trên tên tuổi. Nếu là sếp thì cần thể hiện sự tôn trọng họ. Đối với cách viết thiệp cưới mời đồng nghiệp là người có người thương. Thì tốt nhất nên ghi là: Anh/ Chị A, sau đó bên trong ghi thiệp là Anh A + người thương của mình cùng đến chung vui cùng vợ chồng…
Cách ghi thiệp cưới mời bạn bè
Khi thiệp mời đối với cách viết thiệp cưới với những người bạn bè thân thiết từ cấp 3, đại học thì có phần đơn giản hơn khá nhiều. Tuy nhiên, bạn vẫn cần giữ đúng mức lịch sự và nghiêm túc tối thiểu nhé. Ở trên phong bì, đôi vợ chồng có thể đề tên trực tiếp vị khách mời hoặc chỉ cần ghi Kính mời bạn cùng người thương…
Cách viết thiệp mời cưới cho người người có gia đình
Trong trường hợp bạn mời những người đã có gia đình đến tham dự tiệc cưới của bạn, bạn sẽ cần có cách viết thiệp mời khác hẳn so với cách viết thiệp mời những người còn độc thân. Bạn nên ghi rõ họ tên người được mời ở bên ngoài phong bì đựng thiệp. Bên trong tấm thiệp mời thì sẽ ghi chi tiết hơn nữa.
Ví dụ: bạn muốn mời gia đình chị P đến dự tiệc cưới của bạn. Chị P là chị bà con thân thiết của bạn. Nhà chị P có 4 người là 2 vợ chồng và 2 người con của chị. Khi viết thiệp cưới mời gia đình chị P, bạn nên viết như sau: “Thân mời anh chị P và hai cháu”. Bạn nên tránh viết là “Mời gia đình chị P”, bởi có một số người khó tính người ta sẽ cho rằng mời như thế là thiếu lễ phép và bắt bẻ mình.
Nếu khách mời bằng hoặc ít tuổi hơn thì bạn có thể xưng là vợ chồng bạn/ em hay tên của người bạn em thân thiết và vợ/ chồng đến tham dự lễ thành hôn…
Khách mời còn độc thân
Đối với các vị khách mời mà bạn biết rõ họ còn độc thân, chưa lập gia đình, khi viết thiệp mời dự đám cưới, bạn nên viết thật tinh tế nhé. Bạn nên ghi rõ tên của người được mời bên ngoài phong bì đựng thiệp.
Nếu khách là người đã có người yêu. Bạn ghi rõ là “thân mời {Tên} và người yêu”. Hành động này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, gây được ấn tượng tốt cũng như thể hiện sự chu đáo với bạn bè đồng nghiệp. Đây chính là cách để bày tỏ sự chân thành, hiếu khách với đám cưới của mình để tránh họ có cảm giác ngượng ngùng.
Một số lưu ý khi viết thiệp cưới
Trừ các trường hợp cần chú ý như trên, khi bạn viết thiệp mời dự tiệc cưới, bạn cũng phải chú ý thêm một số việc sau đây:
– Phải viết hoa tên khách mời. Phải viết thật rõ ràng và dễ nhìn tên khách mời.
– Tên khách mời bắt buộc phải được viết trên thiệp, không được phép bỏ trống với lý do là bên ngoài phong bì thiệp đã có ghi rồi. Tên khách mời phải viết bằng tay thật rõ ràng. Điều này tạo cho người được mời cảm giác được kính trọng.
– Nhằm đảm bảo tiệc cưới của bạn được diễn ra đúng với thời gian, trong thiệp mời bạn nên mời khách đến sớm hơn khoảng 45 phút đến 1 giờ. Giả sử bạn dự định tiệc cưới sẽ chính thức bắt đầu vào lúc 19h thì bạn nên mời khách đến dự tiệc vào lúc 18h.
Nên viết thiệp cưới bằng bút gì thì đẹp?
Sau khi biết cách viết thiệp cưới thì chọn ngay cây bút phù hợp để viết thiệp thật hoàn hảo nhé! Có 3 mẫu bút cô dâu chú rể nên tham khảo:
– Bút bi có thể sử dụng để viết thiệp cưới khi chiếc thiệp được làm đơn giản, không cầu kỳ, mực không bị phai, chữ viết rõ ràng.
– Bút mực nước đa dạng, nhiều màu sắc, giá thành rẻ, tạo nét mềm mại hơn so với bút bi.
– Bút nhũ lên màu rất đẹp, có ánh kim, phù hợp với những loại thiệp có ren hay thiệp tự thiết kế.
Có thể thấy, khâu chuẩn bị cũng như cách viết thiệp cưới vô cùng quan trọng. Vì nó không chỉ mang lời báo hỷ đến những vị khách quý, mà còn tạo ấn tượng tốt, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa chủ buổi tiệc và quý quan khách.
>> Sổ tay kế hoạch cưới – Bí quyết để tổ chức một đám cưới trong mơ