Ngày cưới luôn là ngày trọng đại của hai bên gia đình cũng như là cặp đôi, nhưng đặc biệt nhất chính là người con gái – người sắp trở thành vợ người ta. Vì vậy, cô dâu tương lai rất quan tâm, để ý chăm chút từng chút về vẻ ngoài của mình như là đầm cưới, giày cao gót, khăn voan cưới,…nhưng mấy ai biết được ý nghĩa của mỗi phụ kiện, trang phục ấy. Hãy cùng Nhẫn cưới Kim Ngọc Thủy (KNT) tìm hiểu về khăn voan cưới trong bài viết này nhé!
Nguồn gốc của khăn voan cưới
Khăn voan cưới (wedding veil) được xem như là một biểu tượng đặc trưng của người con gái trong ngày Hôn Lễ trọng đại. Mỏng manh, trắng tinh khôi và đầy ý nghĩa, chiếc khăn voan cưới mang một sứ mệnh thiêng liêng mà rất nhiều cô gái cho rằng chỉ khi cài nó lên tóc họ mới thấy mình thực sự là một cô dâu.
Có rất nhiều câu chuyện xoay quanh nguồn gốc xuất hiện của chiếc khăn voan cưới. Người ta cho rằng chiếc khăn này có nguồn gốc từ người Hy Lạp cổ xưa khi mà phụ nữ Hy Lạp muốn che gương mặt và mái tóc của mình lúc phải đi ra ngoài. Còn những cô dâu La Mã mặc một tấm vải che màu lửa sống động được cho là nhằm mục đích bảo vệ họ khỏi linh hồn của ma quỷ. Phải chăng điều này cũng giống với chiếc khăn đỏ của các tân nương của Trung Quốc?
Ý nghĩa của chiếc khăn voan cưới
Như đã nói, người La Mã cổ xưa cho rằng chiếc khăn che mặt ngày cưới sẽ giúp bảo vệ những nàng dâu trinh nguyên khỏi những thế lực ma quỷ trong ngày xuất giá. Tuy nhiên, trong những Lễ Cưới hiện đại, chiếc khăn voan lại có những ý nghĩa đáng yêu vô cùng.
Tượng trưng cho sự trinh tiết
Ở thế kỷ 19, chiếc khăn voan cưới che mặt cô dâu đã được liên tưởng mạnh mẽ với sự nhu mì, e lệ của người phụ nữ rồi sau đó nhanh chóng phát triển thành biểu tượng của sự tinh khiết, trinh nguyên.
Tránh xui xẻo
Có một luật bất thành văn ở cả người phương Tây lẫn phương Đông mà chắc hẳn ai cũng biết là trước khi cử hành nghi thức thành hôn cô dâu và chú rể không được gặp mặt nhau vì điều này được cho là sẽ mang lại những điều “xui xẻo” cho hôn nhân của họ. Thế là, sứ mệnh tiếp theo của chiếc khăn voan cưới là giúp cho cô dâu “tránh khỏi ánh nhìn” của chú rể trước khi hoàn thành buổi Hôn Lễ.
Niềm tin vào người đàn ông của cô ấy
Theo nghi thức tổ chức đám cưới của Thiên Chúa giáo, cô dâu sẽ đội một chiếc khăn voan cưới trên đầu che khuất mặt, cô dâu được cha mình dắt tay dẫn đến chỗ của chú rể đứng đợi sẵn. Điều này có ý nghĩa gì? Rằng nàng đã sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân và niềm tin vào người đàn ông mà nàng sắp cưới là tuyệt đối.
Cô dâu sẽ giữ nguyên trạng thái này cho đến khi nghi lễ kết thúc, chú rể nhẹ nhàng vén chiếc khăn lên và cũng chính lúc này anh mới thực sự nhìn rõ vị hôn thê của mình lung linh như thế nào trong bộ váy cưới. Mọi cảm xúc dường như thăng hoa và đỉnh điểm là một nụ hôn nồng cháy – từ đây họ đã chính thức là vợ chồng của nhau.
Nói về nghi lễ vén khăn, cũng như khoảnh khắc tuyên thệ và trao nhẫn, hẳn đây sẽ là giây phút khó quên nhất trong cuộc đời của mỗi đôi uyên ương. Đối với người con gái, nó giống như cột mốc biến đổi, một khoảnh khắc sẽ trở thành kỷ niệm trong cuộc đời con gái.
Nhắc nhở chú rể không được yêu chỉ vì nhan sắc
Sự tồn tại của chiếc khăn voan cưới cũng mang cho chú rể nhiều ý nghĩa. Ngày trước, hành động vén khăn cho cô dâu là một cách để chàng trai xác nhận lại rằng đây có phải là người con gái mà họ muốn cưới không. Nhưng với chiếc khăn voan mỏng hiện đại như ngày nay, việc chú rể đặt chiếc khăn qua đầu cô dâu mang ý nghĩa như một lời cam kết che chở và bảo vệ của anh với người bạn đời.
Và cuối cùng, đứng trước người con gái mình yêu với khuôn mặt không nhìn rõ, chú rể tuyên thệ, điều đó có nghĩa rằng anh cưới cô ấy vì yêu những nét đẹp bên trong con người cô ấy, chính vì thế tình yêu đó là mãi mãi.
Cách lựa chọn khăn voan cưới cho cô dâu
Chọn lựa khăn voan cưới theo chiều cao cơ thể
Cô dâu sở hữu vóc dáng cao ráo và ưa chuộng phong cách cổ điển, thanh nhã của phương Tây sẽ dễ dàng chọn lựa khăn voan đội đầu hơn. Khăn voan cô dâu cũng có thể kết hợp với cài tóc, hoa tươi hoặc phụ kiện khác để tạo nên diện mạo lộng lẫy cho cô dâu đẹp hơn.
Những kiểu voan trùm dài và rộng thông thường dành cho không gian cưới lộng lẫy, trang trọng. Ngược lại, nhiều lớp voan ngắn, đơn giản, bằng lưới hay ren là lựa chọn hợp lý cho đám cưới ngoài trời và với cô dâu nhỏ nhắn.
Chọn theo kiểu tóc
Kiểu tóc cũng là một điểm bạn cần lưu ý khi chọn khăn trùm đầu cô dâu. Có nhiều mẫu tóc cho cô dâu như bới cao, buông xõa hay uốn xoăn, tùy vào đó hãy lựa khăn voan để tôn lên vẻ đẹp cầu kỳ của mái tóc. Nếu chiếc voan đơn giản và dáng trơn bạn có thể cài thêm vương miện hoặc một món đồ trang sức lấp lánh để làm nổi bật hơn.
Họa tiết trang trí của khăn voan cưới
Khăn đội đầu cô dâu có một sự đối nghịch nhất định với bộ áo cưới về họa tiết. Nếu váy cưới có nhiều họa tiết hãy chọn khăn voan đơn giản. Ngược lại, nếu váy áo quá đơn giản hãy chọn một chiếc khăn có đăng ten hay họa tiết sẽ giúp cân bằng tổng thể vẻ ngoài của cô dâu.
Độ dài của chiếc khăn voan cưới
Nếu đám cưới diễn ra ban ngày và bạn ưa chuộng phong cách trẻ trung, hiện đại thì những mẫu voan ngắn, dài đến vai hoặc trên một chút sẽ là lựa chọn hợp lý cho bạn. Nếu bạn hướng tới một đám cưới sang trọng thì khăn dài sẽ là lựa chọn phù hợp hơn. Sau đây là một số gợi ý lựa chọn khăn cô dâu theo độ dài dành cho bạn:
– Voan đến eo hay khuỷu tay phù hợp với dáng váy quây hay vai trần và những cô dâu cao trung bình và có dáng nhỏ
– Chiếc voan ngắn đến eo thích hợp với những mẫu váy cưới vai trần. Nếu ưa thích phong cách trẻ trung nhẹ nhàng, khăn voan ngắn chính là lựa chọn hoàn hảo cho bạn
– Voan dài qua gối không dành cho những cô dâu có vóc người nhỏ nhắn và nên đi cùng với chiếc váy thướt tha và lộng lẫy.
Bài viết trên là những ý nghĩa của khăn voan cưới cho cô dâu tương lai. Nhẫn cưới Kim Ngọc Thủy (KNT) mong rằng bài viết này sẽ giúp cho con gái hiểu thêm về ý nghĩa trang phục, phụ kiện mà mình diện trong ngày cưới.